Trí tuệ cảm xúc

Làm chủ EQ để thành công!

Bí quyết giúp trẻ tăng chỉ số EQ

eq cho tre

Đại học Harvard kết luận, khả năng thành công trong cuộc đời của một người có 20% phụ thuộc vào chỉ số IQ, trong khi EQ (trí tuệ cảm xúc) chiếm 80%.

Các nhà nghiên cứu xác định, trí tuệ cảm xúc bao gồm năm khía cạnh: khả năng nhận biết cảm xúc, khả năng quản lý cảm xúc của chính mình, khả năng chịu đựng thất bại, khả năng hiểu được cảm xúc của người khác và khả năng quản lý các mối quan hệ giữa các cá nhân.

Nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) cho biết, trẻ có EQ cao sẽ hỗ trợ cho sự thông minh được bộc lộ và thậm chí còn giúp gia tăng IQ (chỉ số thông minh). Trẻ có chỉ số EQ thấp sẽ thiếu sự tự tin, không thích giao tiếp với người khác, ít bạn bè. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bản thân và nghề nghiệp trong tương lai, trẻ dễ trở thành người cô đơn, không biết vượt qua thất bại…

Trẻ có EQ thấp trong tương lai dễ trở thành người cô đơn, không biết vượt qua thất bại. Ảnh: sina.
Trẻ có EQ thấp trong tương lai dễ trở thành người cô đơn, không biết vượt qua thất bại. Ảnh: sina.

EQ của trẻ có thể nhìn thấy từ hoạt động hàng ngày. Các chuyên gia về nuôi dạy con đã tóm tắt 6 biểu hiện của EQ thấp ở trẻ em:

1. Mất bình tĩnh vì nhu cầu không được đáp ứng

Trẻ muốn có một cái gì đó nhưng không được đáp ứng, thường ăn vạ hay khóc lớn tạo sự chú ý. Thua trò chơi hay làm một việc gì đó không suôn sẻ cũng khiến trẻ tức giận và mất bình tĩnh với người xung quanh.

2. Chỉ quan tâm đến cảm xúc của mình

Có món gì ngon, trẻ sẽ đòi ăn trước. Trò gì hay, trẻ cũng làm mọi cách được chơi trước mà không quan tâm đến thái độ cũng như mong muốn của người bên cạnh.

3. Thích phàn nàn, hay đổ lỗi cho người khác

Trẻ rất hay phàn nàn chê bai, chẳng ai, chẳng điều gì khiến trẻ hài lòng. Tính cách này dẫn đến việc trẻ không biết tự nhìn nhận chính mình, luôn thấy điểm xấu của người khác và bắt đầu nói xấu sau lưng họ.

4. Chỉ thích khen

Trẻ nhỏ thường rất thích được khen nhưng nếu trẻ phản ứng mạnh khi bị phàn nàn, chê trách bằng cách: tức tối, la hét, ngỗ nghịch thì chứng tỏ đứa trẻ đó có chỉ số EQ thấp.

5. Thích chọc vào nỗi đau của người khác

Đặt cho người khác biệt danh theo nhược điểm của họ, cố tình chọc tức người khác để thỏa mãn tính hiếu thắng… Cha mẹ nghĩ rằng đây là sự thiếu hiểu biết của trẻ, thực chất đây là sự thiếu hiểu biết trong giao tiếp.

6. Không chấp hành mệnh lệnh, không nghe theo lời khuyên của người khác

Những đứa trẻ như vậy thường thiếu tự chủ và dễ gặp vấn đề trong việc tuân thủ trật tự xã hội và giao tiếp giữa các cá nhân. Nếu trẻ gặp phải những tình trạng này thì ở một khía cạnh nào đó, đó là biểu hiện của trí tuệ cảm xúc thấp, cha mẹ không được bỏ qua.

Bố mẹ chỉ cần nắm vững phương pháp có thể hướng dẫn con thay đổi, trở thành những đứa trẻ có EQ cao. Ảnh: sina.
Bố mẹ chỉ cần nắm vững phương pháp có thể hướng dẫn con thay đổi, trở thành những đứa trẻ có EQ cao. Ảnh: sina.

EQ thấp thực sự sẽ mang lại nhiều rắc rối cho sự phát triển của trẻ và nó sẽ trở thành một tổn thương không thể chữa lành sau khi trưởng thành.

Làm thế nào để nuôi dạy những đứa trẻ có EQ cao?

Cha mẹ nào cũng muốn nuôi dạy con cái có trí tuệ cảm xúc cao. Trẻ vẫn nhỏ và hành vi, tính cách của chúng chưa được định hình hoàn toàn, chỉ cần bố mẹ nắm vững phương pháp và có chủ ý thực hành, EQ cũng có thể được trau dồi.

1. Dạy trẻ đối phó với cảm xúc

Nhà tâm lý học người Mỹ, tiến sĩ John Gottman cho rằng có 3 hành vi không có lợi cho việc phát triển EQ: Bỏ qua những cảm xúc tiêu cực của trẻ; không hài lòng với những cảm xúc tiêu cực, thậm chí buộc tội hoặc trừng phạt cảm xúc đó và cuối cùng là chấp nhận những cảm xúc tiêu cực, nhưng không hướng dẫn trẻ đối phó với cảm xúc đó.

Khi trẻ có những cảm xúc tiêu cực, cha mẹ nên chấp nhận cảm xúc đó và hướng dẫn trẻ cách xử lý. Ví dụ, khi trẻ đang khóc, hãy đồng cảm với cảm xúc buồn bã của chúng: “Bố mẹ biết con buồn, bố mẹ có thể giúp gì cho con?” Khi trẻ tức giận, hãy tìm hiểu ngọn nguồn cơn giận của con, nói chuyện để trẻ biết bố mẹ hiểu cảm xúc của chúng. Nên sử dụng “Ừ”, “Ồ” và “xin lỗi” khi giao tiếp để xoa dịu trái tim và giải phóng cảm xúc tiêu cực của trẻ.

2. Trau dồi thái độ lạc quan cho trẻ

Trên thực tế, lạc quan là chìa khóa quan trọng nhất với một đứa trẻ có EQ cao. Nguyên do là chỉ có lạc quan trẻ mới có thể đối mặt với mọi vấn đề chủ động hơn, có khả năng chống thất vọng tốt hơn, không dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường và có tinh thần tự khuyến khích bản thân.

Các chuyên gia đưa ra một số lời khuyên nuôi dưỡng sự lạc quan của trẻ em bao gồm óc hài hước và trí tưởng tượng. Ví dụ, để trẻ dọn đồ chơi, bố mẹ có thể nói: “Chiếc xe của con đang rất nhớ nhà đó”; “Các khối lego này đều đang buồn ngủ, đã đến giờ về nhà ngủ rồi”; “Bút và nắp bút là những người bạn tốt, hãy để chúng ôm nhau nào”… Ngoài ra bố mẹ có thể cùng con đọc “câu thần chú”: “Không sao đâu” để con đủ tự tin đối mặt với khó khăn.

Chỉ số EQ có thể cải thiện, chỉ cần kiên nhẫn giáo dục và hướng dẫn cẩn thận, trí tuệ cảm xúc của trẻ có thể ngày càng cao. Ảnh: sina.
Chỉ số EQ có thể cải thiện, chỉ cần kiên nhẫn giáo dục và hướng dẫn cẩn thận, trí tuệ cảm xúc của trẻ có thể ngày càng cao. Ảnh: sina.

3. Tạo cơ hội để trẻ giao tiếp với nhau

Nhiều cha mẹ lo lắng con mình nhỏ, dễ bị tổn thương nên luôn giữ con ở nhà và bao bọc quá mức. Tuy nhiên, “Bách khoa toàn thư về nuôi dạy con cái” của Mỹ đã chỉ ra: “Cách tốt nhất để một đứa trẻ học cách hòa đồng với mọi người là có được nhiều cơ hội học tập. Cha mẹ nên chủ động tạo cơ hội cho trẻ chơi với những đứa trẻ khác.”

Trẻ em có thể ồn ào, nhưng chúng cũng có thể học khả năng giải quyết xung đột, đoàn kết và hợp tác, giao tiếp và phối hợp trong “thực chiến”. Tất nhiên, cha mẹ cũng nên chú ý quan sát biểu hiện của con và hướng dẫn trẻ sau đó, chẳng hạn như: Dạy con phép lịch sự, dạy trẻ chia sẻ, dạy trẻ xếp hàng…

Chỉ số EQ có thể cải thiện, chỉ cần bố mẹ kiên nhẫn giáo dục và hướng dẫn trẻ cẩn thận. Trên con đường trưởng thành, hãy để trí tuệ xúc cảm cao giúp trẻ dũng cảm mở cánh cửa ra thế giới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *