Trí tuệ cảm xúc

Làm chủ EQ để thành công!

4 kiểu an ủi không bao giờ nên nói

Chia se, an ui

Những câu nói an ủi tuy không thể cứu vãn những chuyện đã qua, nhưng sẽ giúp ai đó vơi bớt nỗi buồn. Tuy nhiên, đưa ra lời an ủi vào lúc nào lại là một việc khó.

Nếu một người bạn đột nhiên gửi một tin nhắn: “Tôi thất nghiệp … Sao cuộc sống lại khó khăn như vậy, tôi phải làm gì tiếp theo? Tâm trạng tôi thực sự rất tệ”, bạn sẽ an ủi thế nào?

Theo nhà tâm lý học Giao Quảng Dạ (Trung Quốc) đa số sẽ chọn cách an ủi như sau:

Than vãn theo: Bạn sẽ lấy sự bi thảm của bản thân để an ủi đối phương, ví dụ như: “Tôi còn tệ hơn bạn, tôi đang cãi nhau với bố mẹ tôi, còn sắp chia tay người yêu”…

Dạy dỗ đối phương: Bạn nên tìm lý do vì sao lại trở nên như vậy, lỗi lầm do chính bạn gây ra.

An ủi chiếu lệ: Thôi, bỏ qua đi, lần sau tôi đưa bạn đi thư giãn. Nay nghỉ ngơi sớm đi nhé.

An ủi vô tình: Đừng suy nghĩ nhiều, nghĩ thoáng đi, mọi chuyện rồi sẽ qua.

Nếu thực sự muốn an ủi người khác, bạn không nên nói một trong bốn câu trên. Bởi đó là những lời an ủi thể hiện EQ (trí tuệ cảm xúc) thấp.

Với kiểu an ủi thứ nhất, không những làm cho đối phương cảm thấy tốt hơn mà khiến họ cho rằng khó khăn của mình quá tầm thường so với thực tại của bạn. Vì vậy lấy sự khổ sở của bản thân để an ủi người khác sẽ khiến tâm trạng của họ thêm tồi tệ.

Còn dạy dỗ đối phương khi họ gặp khó khăn là một điều tối kị. Thời điểm này họ cần một chỗ dựa tinh thần chứ không phải là những bài học giáo điều. Còn hai cách cuối cùng cũng khiến người cần được an ủi cảm thấy người nghe không toàn tâm toàn ý, nói vài câu qua loa cho hết chuyện.

Chia sẻ, an ủi
Will Hunting và giáo sư Sean trong bộ phim “Good Will Hunting” của điện ảnh Mỹ. Ảnh: Alamy.

Vậy khi một người nói “Tôi quá mệt mỏi” hoặc “Thật buồn”, làm thế nào để họ cảm thấy tốt hơn?

1. Khi họ muốn nói, chúng ta hãy chỉ lắng nghe

Nhà tâm lý học Giao Quảng Dạ kể, cách đây không lâu, bố một người bạn qua đời. Họ gặp nhau ngay sau đám tang, trên chiếc ghế dài trong công viên, quan sát dòng người qua lại và cô ấy kể về cha mình.

Khi còn nhỏ, cha đã đưa cô đi thả diều. Khi kết hôn, cha đã phát biểu và con gái xúc động không kìm được nước mắt, rồi đến chiếc áo khoác cô mua nhưng người cha chưa kịp mặc… Cô ấy liên tục nói và tôi lặng yên nghe. Chúng tôi ngồi đó từ chiều cho tới đêm khuya, chỉ nghe những câu chuyện bất tận về người cha đã khuất. Về đến nhà, người bạn tôi nhắn: “Cảm ơn đã nghe tôi tâm sự. Hôm nay là một ngày thật đẹp”.

Khi một người có tâm sự, bạn không cần phải làm những việc không cần thiết, bởi lắng nghe và đồng hành là cách chữa lành tốt nhất.

Uông Tiểu Phi an ủi vợ là nữ diễn viên Từ Hy Viên khi cô có cảm xúc không ổn định. Ảnh: chinanews.
Uông Tiểu Phi an ủi vợ là nữ diễn viên Từ Hy Viên khi cô có cảm xúc không ổn định. Ảnh: chinanews.

2. Học cách quan sát khi đối phương im lặng

Diễn viên Đài Loan Từ Hy Viên và chồng Uông Tiểu Phi từng tham gia một chương trình truyền hình cùng nhau. Thời gian đó, sức khỏe của Từ Hy Viên không tốt nên cảm xúc không ổn định. Đang ngồi xem tivi cô đột nhiên ôm mặt khóc.

Uông Tiểu Phi khi phát hiện ra, lập tức chạy tới ôm vợ, xoa lên tóc an ủi. Sau đó anh im lặng tắt tivi, đưa khăn giấy và lẳng lặng ngồi bên cạnh vợ. Thời gian sau đó, cả hai không nói với nhau nào. Chính bầu không khí im lặng khiến tâm trạng của Từ Hy Viên bình tĩnh trở lại.

“Khi vợ im lặng, tôi thường quan sát để đánh giá cảm xúc cũng như phản ứng của cô ấy. Sau đó tôi làm một số việc nho nhỏ cho vợ nhưng vẫn sẽ im lặng, bởi khi đó im lặng sẽ tốt hơn”, Uông Tiểu Phi nói.

3. Đừng vội vàng đưa ra giải pháp

Đối mặt với cảm xúc của đối phương, ngay cả khi đã có một giải pháp hoàn hảo, bạn cũng không phải vội vàng nói ra. Có một câu nói thế này: “Những người mang đến câu hỏi, thực chất trong tim họ đã có câu trả lời rồi”.

Khi đối phương hỏi “Tôi nên làm gì?”, nếu bạn đưa ra phương án không khớp với câu trả lời họ mong muốn, sẽ khiến tình huống an ủi trở nên gượng gạo. Tốt nhất đừng vội vàng đưa ra giải pháp của mình. Bởi những người thực sự quan tâm tới người khác thường không vội thể hiện bản thân.

Trong bộ phim “Nhà tù Shawshank” của điện ảnh Mỹ có câu nói của nhân vật chính: “Kẻ mạnh sẽ tự cứu mình, còn thánh nhân sẽ giúp đỡ người khác”. Mỗi người vào những thời điểm mạnh mẽ có thể tự cứu lấy chính mình, nhưng cũng có lúc cần phải dang tay với người khác để giúp đỡ họ.

Trong cuộc sống, mỗi người thỉnh thoảng bắt gặp những cơn mưa bất chợt, ai cũng hy vọng sẽ có người cầm ô đi cùng để thoát khỏi cảnh mù mịt này. Khi ai đó nói “Tôi rất buồn”, họ hy vọng bạn có thể cầm ô che cho họ với thái độ không chiếu lệ, không ban ơn.

Hãy nhìn vào khó khăn của họ, để đối phương biết bạn đang cố hiểu và đồng cảm với họ. Hãy nghe lời tâm sự của họ, để đối phương biết, họ rất quan trọng và dù thế nào vẫn luôn có bạn luôn ở bên. Đừng bao giờ đánh giá thấp lời an ủi của mình tới một ai đó. Bởi niềm an ủi nhỏ nhoi của bạn đôi khi lại là ánh sáng soi đường cho họ ở phía trước.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *